Cuối năm 2022, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó xác định:
VHO -Trước xu hướng dịch chuyển của lượng khách đến các thị trường khác đặt ra yêu cầu ngành Du lịch Đà Nẵng phải tăng cường xúc tiến, tìm kiếm các thị trường khách mới, việc mở rộng thị trường khách du lịch sẽ bù đắp cho những thị trường truyền thống còn thiếu hụt trước đây.
Các đơn vị lữ hành tại thành phố Đà Nẵng đang lo lắng trước thực tế lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng còn rất khiêm tốn, thậm chí có xu hướng dịch chuyển tới những điểm du lịch khác sau đại dịch Covid-19.
Thống kê mới nhất năm 2023 của Sở Du lịch Đà Nẵng thể hiện: Lượng khách quốc tế đi lẻ tăng cao đang làm sụt giảm nguồn thu cho doanh nghiệp, hết quý III năm 2023 có 80% khách quốc tế đi lẻ, chủ yếu là khách Hàn Quốc, trong khi khách đi theo doàn chỉ chiếm 15 - 20 trong tổng số khách lưu trú.
Ngành du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2024; 2,8 triệu lượt năm 2025. Hai mục tiêu này vẫn thấp hơn năm 2019 là 3,24 triệu lượt. Điều này cho thấy thành phố Đà Nẵng vẫn chưa tự tin trong việc tạo sản phẩm mới, cũng như đang dè dặt trước mục tiêu thu hút khách quốc tế.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2024
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh thông tin: Thị trường khách Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi trong khi thị trường tiềm năng như Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến TP Đà Nẵng.
Khách Hàn Quốc (đang chiếm tỷ lệ 48%) dự kiến có xu hướng dịch chuyển đến những điểm đến mới có nhiều sản phẩm mới. Du khách đang có xu hướng tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch, trải nghiệm thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Bên cạnh đó các hãng hàng không gặp khó khăn do quy định về việc cấp slot bay (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay dành cho một máy bay vào một ngày, giờ nhất định).
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng bước sang năm 2024, ngành du lịch khó khăn sẽ chồng chất khó khăn nếu chưa có sự đột phá trong việc thu hút nguồn khách quốc tế: Khách quốc tế giảm quá nhiều, năm 2019 là 2 triệu khách Hàn, 1 triệu khách Trung Quốc, nhưng năm nay chỉ khoảng 1,6 triệu khách Hàn Quốc. Hai thị trường này sẽ sụt giảm phân nửa do sự cạnh tranh của các điểm đến khác.
Trong khi đó các thị trường mới được kỳ vọng như Ấn Độ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á hiện nay chiếm 20% thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng sẽ tăng không đáng kể do gặp hạn chế về đường bay, sản phẩm, các thị trường với chính sách mở cửa thận trọng cũng đóng góp vào sự khó khăn của ngành du lịch thành phố.
Theo báo cáo của ngành du lịch Đà Nẵng, hiện nay các dự án trọng điểm tạo sản phẩm du lịch liên tục gặp vướng mắc, thành phố Đà Nẵng chưa đáp ứng thỏa đáng việc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Đơn cử như trong vấn đề cơ sở hạ tầng, quy hoạch phân khu ven sông Hàn Và bờ Đông chưa được làm dứt điểm; phân khu ven vịnh Đà Nẵng chưa được phê duyệt; thiết kế ý tưởng cảnh quan tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành, thiết kế đô thị khu vực ven biển chưa được thông qua.
Thêm vào đó chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng, các điểm dừng chân phục vụ tuyến du lịch đường thủy chưa hoạt động. Đề án tạo điểm dừng chân của các địa phương chậm triển khai...
Với tốc độ đầu tư chưa xứng tầm, ngành du lịch Đà Nẵng cần nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị kỹ hơn để thành phố xem xét và sớm ban hành các nghị quyết, chính sách riêng đối với ngành du lịch.